Lăng tẩm Vĩnh_Liễn

Năm Càn Long thứ 8 (1743), ngày 11 tháng 12, kim quan của Đoan Tuệ Hoàng thái tử chính thức được đưa vào khuôn viên lăng tẩm riêng của mình, đó là Đoan Tuệ Hoàng thái tử viên tẩm (端慧皇太子园寝), thuộc Chu Hoa sơn (朱华山) ở Mãn tộc hương, vùng Kế Châu, Thiên Tân[3].

Trong số 12 tòa lăng của Hoàng đế, 7 tòa của Hoàng hậu và vô số viên tẩm của thành viên Hoàng gia nhà Thanh, chỉ có duy nhất một lăng tẩm dành cho Hoàng thái tử, chính là Đoan Tuệ Hoàng thái tử viên tẩm. Khi xác định xây viên tẩm cho Thái tử, Càn Long Đế huy động hơn 3000 lượng bạc trắng để xây dựng viên tẩm khang trang cho vị Thái tử yểu mệnh của ông. Trong các viên tẩm dành cho Hoàng tử nhà Thanh, thì viên tẩm của Đoan Tuệ Hoàng thái tử được đánh giá là quy mô hoàn thiện và cao cấp nhất. Bên cạnh đó, việc tế ở viên tẩm của Đoan Tuệ Hoàng thái tử cũng được Càn Long Đế thiên vị, vì lăng của Đế - Hậu vào những ngày tết Thanh Minh, tết Trung nguyên, Đông chí đều khâm mệnh vương đại thần thân đến tế, còn các viên tẩm của bất kì người nào khác đều không được vượt. Tuy nhiên, Càn Long Đế lại đặc biệt dùng tất cả nghi lễ tế viên lăng cho viên tẩm của Đoan Tuệ Hoàng thái tử, cho thấy sự sủng ái vượt bậc mà Càn Long dành cho con trai xấu số[4].

Đặc biệt, khi Gia Khánh Đế được lập làm Hoàng thái tử, tiến hành kế thừa đại thống, Càn Long Thái Thượng hoàng đã bắt Tân đế phải hành lễ trước mộ của Đoan Tuệ Hoàng thái tử, dùng lý do là:"Đoan Tuệ Hoàng thái tử khi trước đã được bí mật lập làm Trữ quân, đã có danh phận, rất xứng đáng được (Tân đế) hành lễ quỳ khấu, nhưng không được dùng tư cách em trai bái tế anh lớn" (端慧皇太子先曾密立。已有名分,应行叩跪之礼,非因以弟拜兄). Sự việc này được ghi lại trong Thực lục, cũng ghi chép vào điển lễ của Thanh triều[5].